Đã có nhiều bà con thắng lớn với vụ nuôi cá chép thương phẩm, lợi nhuận lên tới vài trăm triệu, thậm chí là bạc tỉ. Tuy nhiên, để vụ nuôi thành công trước tiên bạn cần nắm vững những kỹ thuật nuôi cá chép thương phẩm và những kinh nghiệm quý báu từ các bậc “tiền bối”. Đừng lo lắng, bài viết sau đây các chuyên gia sẽ chia sẻ với bạn những kỹ thuật đó.
1) Tập quán sinh sống
Trước khi đi vào kỹ thuật nuôi, bạn nên tìm hiểu sơ qua về tập quán sinh sống của đối tượng bạn đang hướng tới. Cá chép là loài cá sống theo bầy, chúng có thể thích nghi với điều kiện nuôi khác nhau, nhưng lý tưởng nhất vẫn là môi trường ao nuôi rộng, có dòng chảy chậm,…
Thức ăn của cá chép trong tự nhiên rất dễ tìm, bao gồm: cỏ, rong, rêu, bèo, lá chuối,… hay cả những động vật phù du như: tôm, tép,…
2) Chuẩn bị ao nuôi
Theo kinh nghiệm của nhiều bà con trong nghề, chuẩn bị ao nuôi là một trong những khâu quan trọng nhất trong kỹ thuật nuôi cá chép thương phẩm. Ao nuôi được cải tạo và chuẩn bị tốt trước mỗi vụ nuôi sẽ giúp cá chép phát triển khỏe mạnh và ít bị dịch bệnh. Diện tích ao nuôi thích hợp từ 1.000-2.000m2 hoặc 2-3ha, tùy theo điều kiện của bạn.
Vậy, bạn sẽ cần làm những gì?
Trước tiên bạn cần tu sửa bờ ao, kiểm tra đăng cống, phát quang bờ. Tháo cạn ao, dọn sạch bèo cỏ, san phẳng đáy, vét bùn, lắp hết hang hốc ven bờ;
Tiếp đến, dùng vôi với liều lượng 8-10kg/100m2 rải đều khắp ao để khử trùng, diệt mầm bệnh và cá tạp. Nếu ao bạn thuê hoặc mua lại từ người khác thì tốt nhất nên tăng gấp đôi lượng vôi sử dụng vì biết đâu ao nuôi trước đó đã bị dịch bệnh;
Sau khi bón vôi, tiến hành phơi ao từ 5-7 ngày để ánh nắng mặt trời tiêu diệt sạch mầm bệnh và khí độc tích tụ dưới đáy. Bón lót phân chuồng với liều lượng 30-40kg/100m2 và lá xanh 40-50kg/100m2 ao nuôi. Dùng trâu cày đáy ao 1-2 lượt để phân chuồng và lá xanh lẫn vào bùn, sau đó lấp phẳng đáy ao;
Cấp nước vào ao khoảng 0.5m và ngâm ao từ 5-7 ngày. Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, bạn sẽ thấy nước ao có màu xanh đọt chuối (màu này rất lý tưởng để nuôi cá chép). Cấp thêm nước vào ao nuôi đến khi đạt độ sâu 1m thì có thể thả cá. Lưu ý: nước cấp vào ao phải được lắng lọc kỹ để phòng cá dữ, cá tạo, mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi;
Cá chép thương phẩm. Ảnh: Internet.
3) Chọn giống và mật độ thả
Chọn cá giống: Tuyệt đối không mua cá giống kém chất lượng, trôi nổi không rõ nguồn gốc. Hãy mua ở những cơ sở cung cấp giống có uy tín trong vùng. Kiểm tra chất lượng cá chép giống bằng cách quan sát cá khỏe mạnh, bơi lội hoạt bát theo đàn, không bị dị tật, cá phản xạ nhanh với tiếng động, thân cá không bị rách vây, không bị tróc vảy, không mất nhớt,…
Xử lý cá giống trước khi thả: Cá giống sau khi vận chuyển về, trước khi thả cần tắm qua dung dịch muối NaCl nồng độ 3% pha loãng trong khoảng 10-15 phút. Khi thả cá xuống ao khoảng 20-30 phút nếu thấy cá yếu hoặc chết thì phải tạm ngừng việc thả cá và xử lý lại nước ao nuôi.
Mật độ thả: Tùy theo kích cỡ cá cần đạt lúc thu hoạch để định mật độ thả cá cho phù hợp. Ví dụ: muốn đạt khối lượng cá thịt lúc thu hoạch trung bình 0.3-0.4kg/con sau 6-8 tháng nuôi thì có thể thả cá giống với mật độ 1con/1.5-2m2.
4) Chăm sóc và quản lý thức ăn cho cá
Tùy vào mật độ thả nuôi mà đưa ra lượng thức ăn phù hợp, dư thừa hoặc thiếu thức ăn đều không tốt cho cá nuôi. Thường xuyên theo dõi sức ăn của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn. Bên cạnh những loại thức ăn như: cám gạo, bột ngô, bột sắn,… hoặc thức ăn công nghiệp, bạn có thể bổ sung thêm: cua, ốc, nhái, giun đất,…
Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các chế phẩm sinh học để cá nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tăng sức đề kháng và phát triển nhanh.
Trên đây là một vài kỹ thuật nuôi cá chép thương phẩm hiệu quả, tất nhiên, bạn sẽ cần học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia để vụ nuôi thành công. Đừng để những khó khăn làm chùng bước khởi nghiệp của bạn. Chúc các bạn vụ mùa bội thu!