Hơn 8 năm kiên trì theo đuổi nghề nuôi chồn hương, anh Nguyễn Minh Đức ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bước đầu gặt hái thành công. Đến nay, với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 250 triệu đồng.
Thời gian gần đây, việc cấm săn bắt động vật hoang dã ngày càng nghiêm ngặt, nên chăn nuôi động vật có nguồn gốc từ tự nhiên nhằm cung cấp cho nhu cầu thị trường một cách hợp pháp cũng bắt đầu mở ra. Các trang trại nuôi nhốt lợn rừng, gà rừng, chồn, hươu…thương phẩm cũng đang góp phần bảo vệ và phát triển động vật hoang dã trong tự nhiên.
Đưa chúng tôi tham quan trại nuôi chồn hương, anh Đức cho biết: ”Trước kia, tôi là kỹ sư xây dựng đã làm việc ở rất nhiều nơi nhưng tâm trí lúc nào cũng muốn quay về quê hương xây dựng sự nghiệp. Thấy ở Bình Thuận, mô hình nuôi chồn hương khá hiệu quả, cho thu nhập cao nên năm 2016 tôi đã quyết định bỏ nghề xây dựng, đi tìm hiểu cách nuôi chồn hương và về quê để thực hiện ước mong đó”.
Ban đầu, anh bỏ ra hơn 80 triệu đồng mua 4 cặp chồn hương sinh sản về nuôi thử nghiệm. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật, cũng chưa hiểu tập tính sinh sống của loài chồn cùng với việc nguồn giống không bảo đảm nên chồn sinh bệnh và chết dần. Bố mẹ và vợ khuyên can không nên tiếp tục nhưng anh vẫn không nản, anh vệ sinh chuồng trại, nghiên cứu kỹ cách nuôi chồn hương trên báo, đài, mạng internet để tiếp tục mô hình.
Mô hình nuôi chồn hương của anh Nguyễn Minh Đức.
Sau 6 tháng, anh lại vào tỉnh Bình Thuận mua tiếp 2 cặp chồn sắp sinh sản về tiếp tục nuôi, đặc biệt, anh đến tận trang trại giống vừa để chọn con giống tốt cũng như học cách nuôi chồn sinh sản để về thực hiện. Sau nhiều năm nuôi, không những nắm bắt được đặc tính, cách ăn uống, sinh sản, môi trường sống của loài chồn ở vùng khí hậu khắc nghiệt Quảng Bình mà còn biết cách phòng ngừa các bệnh thường gặp như tiêu chảy, thương hàn, cầu trùng, rụng lông…
Theo anh Đức, nuôi chồn hương mà biết cách thì rất dễ, lại nhàn, chúng ăn rất ít thức ăn, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, các thức ăn chính, như: Cháo cá, thịt gà, cá rô sống, chuối, mít chín…, chi phí thức ăn mỗi ngày 3.000 đồng/con. Tuy nhiên, với đặc tính nhút nhát, ngủ ngày, ăn đêm nên khu chuồng trại phải làm nơi yên tĩnh, tránh tiếng ồn, luôn sạch sẽ, vệ sinh hàng ngày, thường xuyên khử trùng để hạn chế dịch bệnh. Do Quảng Bình thời tiết khắc nghiệt nên mùa hè bảo đảm thoáng mát, mùa đông phải giữ ấm cho chúng.
Nói về kinh nghiệm nuôi chồn sinh sản, anh Đức cho biết, chồn hương sau 12 – 14 tháng nuôi bắt đầu sinh sản. Trong thời gian này, người nuôi phải nhận biết được biểu hiện động đực của con cái để cho phối giống, khi mang bầu, chồn sinh sản phải được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tránh trường hợp chồn mẹ ăn con non khi bị thiếu chất. Mỗi năm chồn thường đẻ từ 1 – 2 lứa, mỗi lứa 4 – 6 con.
Theo anh Đức, ở các nơi khác thường tách con non sớm nhưng với cách nuôi của anh thì mỗi năm chỉ cho chồn sinh sản 1 lần, cho mẹ tự nuôi con đến 2 tháng mới tách mẹ và cho ăn nhằm nâng chất lượng cũng như tăng tỷ lệ sống của chồn con. Ngoài ra, muốn có nguồn giống chất lượng thì con đực vẫn là yếu tố then chốt, con đực to khỏe thì chất lượng giống mới cao. Năm 2020 anh đã đầu tư 39 triệu đồng để mua 1 con đực giống về để nuôi chồn sinh sản.
Đến nay, chuồng trại của anh Đức có 30 con chồn sinh sản, mỗi năm sinh khoảng gần 100 con chồn giống, bán mỗi cặp 10 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu về cho anh khoảng gần 300 triệu đồng. Hiện đầu ra của chồn thương phẩm cũng như chồn giống tương đối dễ, bởi trên địa bàn tỉnh còn ít mô hình nuôi chồn hương sinh sản.
Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Trần Văn Các nhận xét, mô hình nuôi chồn hương của anh Đức cho hiệu quả kinh tế cao. Từ việc xây dựng chuồng trại bài bản, cách nuôi giúp chồn phát triển tốt. Đây là mô hình có thể nhân rộng để giúp người dân chuyển đổi phát triển kinh tế. Thời gian tới, nếu có kinh phí thì địa phương sẽ tổ chức lớp tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên hội nông dân tại địa phương để nhân rộng mô hình bởi việc phát triển nuôi chồn tại hộ gia đình sẽ hạn chế được việc săn bắt động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Từ mô hình nuôi chồn của anh Đức, có thể thấy luôn tìm tòi, đổi mới sản xuất là việc làm cần được khuyến khích. Tuy nhiên để duy trì và nhân rộng mô hình còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết như vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã, tích lũy kinh nghiệm nuôi và phòng trừ bệnh tật, thị trường tiêu thụ…rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành có liên quan.
Nguồn: Báo Quảng Bình